Sáng ngày 4/11/2024, trường TH&THCS Yên Than tổ chức tuyên truyền tới toàn thể học sinh về tác hại của nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là việc làm quan trọng, đặc biệt với địa bàn xã Yên Than còn nhiều thôn bản khó khăn, nhiều vùng dân tộc thiểu số nhận thức về hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống chưa tốt. Thực hiện sự chỉ đạo của PGD&ĐT, của BGH nhà trường, liên đội tổ chức tuyên truyền đến học sinh về tác hại của nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cho học sinh.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Vậy tảo hôn là gì? Hôn nhân cận huyết là gì?
Tảo hôn: là trường hợp kết hôn một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn (Theo pháp luật Việt nam quy định nam đủ 20 tuổi trở lên, nữ đủ 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn).
Hôn nhân cận huyết thống: là hôn nhân nội tộc, chỉ những cặp hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc (họ hàng) có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Ví dụ: con anh trai lấy con em gái hoặc con chú họ lấy con em họ, con dì lấy con cậu,...Theo quy định của luật hôn nhân gia đình thì những người có quan hệ thân tộc trong phạm vi 3 đời không được lấy nhau: Đời thứ nhất: Cha, mẹ; đời thứ hai: Anh em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba: Anh chị em con chú, con bác, con cô con cậu con dì.
Hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
*Tảo hôn:
Ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm, sinh lý nhất là các em gái; khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm khi còn thiếu kiến thức sẽ không đảm bảo được vai trò làm mẹ, khủng hoảng về tâm lý, ảnh hưởng tới quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và nhiều di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe mẹ và con, trẻ sinh ra nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng, dễ bị tử vong ở lứa tuổi từ 1- 5 tuổi.
- Đối với nam giới do chưa phát triển đầy đủ về thế chất, tâm, sinh lý khi phải làm cha sớm, suy thoái giống nòi, giảm chất lượng dân số.
- Nhiều trường họp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, đôi nam nữ không được tìm hiểu, sinh buồn chán, bế tắc dẫn đến tiêu cực, ly hôn, ly thân, bỏ đi khỏi địa phương, sa vào tai tệ nạn xã hội, có trường hợp tìm cái chết bằng tự tử...
- Do lấy vợ, lấy chồng sớm không có điều kiện học tập, nâng cao trình độ kiến thức và kinh nghiệm sống, không tiếp cận được với các tiến bộ KHKT, mất cơ hội tìm kiếm việc làm.
- Tảo hôn cũng là nguyên nhân của đói nghèo, trẻ em thất học do cặp vợ chồng trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu vốn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn cả vật chất và tinh thần, gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
* Hôn nhân cận huyết thống:
- Con sinh ra hay mắc các bệnh di truyền và dị tật như:
+ Sức đề kháng kém, hay mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch.
+ Bệnh mù màu (không phân biệt được màu sắc).
+ Bệnh down (đao), đần độn do thiểu năng trí tuệ.
+ Còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ.
+ Hay mắc bệnh bạch tạng, bệnh da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, nguy cơ tử vong rất cao.
Những căn bệnh này làm suy kiệt sức khỏe, dẫn tới suy thoái nòi giống của cả một dòng họ, một dân tộc.
- Là gánh nặng của gia đình và xã hội:
+ Nhìn nhận ở góc độ xã hội thì hôn nhân cận huyết là trái với quy định của pháp luật, vì vậy những cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong hòa nhập với cộng đồng.
+ Về góc độ gia đình khi có đứa trẻ sinh ra bị dị tật hoặc phát triển không bình thường thì cha, mẹ, họ hàng thân tộc đều chung tâm trạng ái ngại, buồn chán, tốn kém trong nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa trị mà không mang lại tương lai gì tốt đẹp, không duy trì được giống nòi, bản thân trẻ sinh ra không được bình thường trở thành gánh nặng cho gia đình.
* Hành vi tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết có thể bị xử lý bằng xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, sự phát triển con người, xã hội thiếu toàn diện. Để nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, các em học sinh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau
- Một là: Cần thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, xã.
- Hai là: vận động người thân, gia đình không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.
- Ba là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền, thực hiện chính sách pháp luật và chính sách dân số của Nhà nước.
Qua hoạt động, giúp cho học sinh nhận thức được những hậu quả, hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra cho sức khỏe, sự phát triển tâm sinh lý của cá nhân là nạn nhân của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; cũng như những ảnh hưởng của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đến kinh tế, hạnh phúc gia đình, đến sự phát triển kinh tế, văn hóa của cộng đồng, của xã hội
Một số hình ảnh buổi tuyên truyền:
|